7 January 2017
Khi gặp phải các dấu hiệu nhìn mờ hay mỏi mắt, nhiều người thường tự đến các tiệm kính để kiểm tra thị lực và đo lắp kính tại chỗ thay vì đến bệnh viện hoặc các phòng khám chuyên khoa về mắt để được khám và tư vấn chính xác. Thói quen này có thể đem đến cho người dùng kính một số hệ lụy.
 

Khi có các vấn đề về mắt, mọi người nên đến bệnh viện hay các phòng khám chuyên khoa về mắt để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Trong ảnh: BS Nguyễn Thị Hồng Cẩm, Trưởng Khoa khúc xạ - Mắt trẻ em - Chấn thương và tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Mắt tỉnh, kiểm tra thị lực cho bệnh nhân.

Tôi bị cận, viễn hay loạn thị?

Trong vai một người cần kiểm tra thị lực, phóng viên (PV) đã tìm đến các tiệm kính thuốc trên địa bàn TP.Vũng Tàu và TP.Bà Rịa. Tại tiệm kính thuốc M.H. trên đường Lý Thường Kiệt (TP.Vũng Tàu), PV được đo mắt máy kiểm tra thị lực. Sau khoảng 2 phút đo, kết quả mắt trái cận 0,75 độ, mắt phải bình thường. Khi được hỏi có cần phải dùng kính hay không, anh nhân viên đo mắt nói rằng "chỉ cần thiết khi đi buổi tối hay làm việc nhiều với máy vi tính". Tại tiệm kính thuốc BVM ĐBP trên đường 30-4 (TP.Vũng Tàu), kỹ thuật viên T.X.B. là người đo mắt cho chúng tôi bằng máy và cho kết quả: mắt phải bị lão hóa, mắt trái viễn 0,75 độ. Tiếp tục làm cuộc kiểm tra thị lực tại tiệm kính thuốc trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP.Bà Rịa), cũng sau 2 phút kiểm tra bằng máy, kết quả mắt phải cận 0,5 độ, mắt trái cận 0,75 độ. Vậy là cùng một "bệnh nhân" nhưng 3 tiệm kính cho 3 kết quả khác nhau.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay không khó để tìm một tiệm kính thuốc có trang bị máy đo tật khúc xạ trên địa bàn TP.Vũng Tàu hay TP.Bà Rịa. Các trục đường chính như: Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Bacu (TP.Vũng Tàu); Cách Mạng Tháng Tám, 27-4 (TP.Bà Rịa) đều có từ 2 đến 5 tiệm. Tại các tiệm kính thuốc này, có khá nhiều người đến đo thị lực, đeo thử kính. Khi được hỏi tại sao không vào bệnh viện để kiểm tra thị lực cho bảođảm, anh N.Đ.C., công tác tại Xí nghiệp Cơ khí hàng hải Miền Nam, cho biết: "Đi tiệm kính thuốc cho tiện, chứ vào bệnh viện thì chờ đợi lâu lắm".

Hậu quả

Các bác sĩ của Bệnh viện Mắt tỉnh cho biết, thói quen đi khám mắt tại các tiệm kính thuốc và coi kỹ thuật viên khúc xạ tại các tiệm kính thuốc như bác sĩ nhãn khoa đã khiến người dân gặp thêm nhiều vấn đề phức tạp về mắt. BS Nguyễn Thị Hồng Cẩm, Trưởng khoa Khúc xạ-Mắt trẻ em-Chấn thương và tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Mắt tỉnh cho biết: Trước khi đeo kính thuốc, bệnh nhân phải qua quá trình khảo sát thị lực tối đa và sự thăm khám kỹ của bác sĩ. Nhất là đối với trẻ em, việc đeo kính thuốc không phù hợp sẽ dẫn tới việc lệ thuộc vào kính. Tức là mắt từ không cận thị có thể dẫn tới cận thị, từ cận nhẹ thành cận nặng. Trong quá trình kiểm tra khúc xạ tại các trường học trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy đa phần học sinh đeo kính bị lệch tâm, sai tiêu cự… Điều này rất nguy hiểm, sẽ dẫn tới suy giảm thị lực và có thể mắc thêm các tật về mắt khác. Hiện nay, tất cả các Trung tâm Y tế cấp huyện đều có phòng khám mắt và được trang bị máy khúc xạ tự động. Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 bác sĩ chuyên khoa mắt, bảo đảm đủ số lượng bác sĩ chăm sóc mắt trên tổng số dân. Do vậy, khi bản thân và con em mình gặp các vấn đề về mắt nên tới bệnh viện, trung tâm y tế hoặc các phòng khám chuyên khoa về mắt để được khám và tư vấn chính xác.

Khó kiểm soát chất lượng các tiệm kính thuốc

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 32 tiệm kính thuốc được cấp phép và chịu sự quản lý của Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế). Bác sĩ Nguyễn Phạm Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế) cho biết, ngoài 32 tiệm kính thuốc nói trên, hiện có một số tiệm mắt kính thông thường nhưng vẫn kết hợp bán kính thuốc, khiến cơ quan chức năng rất khó kiểm soát. Một số tiệm mắt kính mắt hiện nay dù không được cấp phép hành nghề kính thuốc nhưng vẫn trang bị máy đo khúc xạ để kiểm tra thị lực và lắp kính cho khách theo yêu cầu.

Theo quy định của Bộ Y tế, điều kiện để mở một tiệm kính thuốc khá đơn giản (người đứng đầu cơ sở kinh doanh kính thuốc phải có bằng trung cấp y tế trở lên, có thời gian làm trong chuyên ngành mắt từ 2 năm trở lên, có chứng chỉ về trang thiết bị y tế) nên không khó để các tiệm kính thuốc "hợp thức hóa" hành nghề kinh doanh của mình. Đến thời điểm này, chưa có một quy định nào đối với nhân viên tư vấn, bán hàng tại các cơ sở kinh doanh kính thuốc.Do vậy, tình trạng nhân viên tại các tiệm kính thuốc làm thay nhiệm vụ của bác sĩ nhãn khoa là khá phổ biến.

Bài, ảnh: HẢI YẾN

Với sự hỗ trợ từ Viện Thị giác Brien Holden (BHVI) của Australia, từ năm 2011 đến nay, Dự án "Hỗ trợ chăm sóc mắt Việt Nam - Australia" đã được thực hiện tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, góp phần đưa dịch vụ chăm sóc mắt ban đầu đến cộng đồng bằng nhiều hình thức. Dự án đã giúp đào tạo, tập huấn đội ngũ nhân viên y tế cơ sở thêm kiến thức chăm sóc mắt ban đầu, khám sàng lọc các dị tật, bệnh lý về mắt để chuyển tuyến phù hợp. Đến nay, dự án đã trang bị được 1 phòng kính trung tâm tại Bệnh viện Mắt tỉnh và 4 phòng kính vệ tinh tại 4 huyện: Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ. Theo khuyến cáo, người dân nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt, Bệnh viện Mắt hoặc các phòng kính kể trên để được thăm khám, tư vấn và đo lắp kính theo đúng y lệnh bác sĩ  và đúng kỹ thuật, chất lượng kính nhằm bảo đảm sức khỏe về mắt lâu dài.