28 August 2019

Trong vòng 2 tháng trở lại đây, số ca sốt xuất huyết (SXH) ở trẻ em diễn biến phức tạp với số ca ở thể nặng tăng cao. Điều đáng lo ngại, phần lớn ca SXH nặng tập trung ở trẻ béo phì, trong đó đã có 2 trường hợp tử vong.

Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa thăm khám cho trẻ béo phì bị SXH.

Ghi nhận tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa, thời điểm này, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận điều trị cho khoảng 20-25 trường hợp mắc SXH. Trong số này có đến hơn 50% trẻ bị béo phì. 

Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi cho biết, trẻ béo phì bị bệnh SXH thì việc điều trị sẽ phức tạp hơn. Thực tế tại Khoa Nhi đã có 2 trường hợp chẩn đoán mắc SXH đã tử vong và đều là trẻ béo phì. Một trường hợp tử vong trong tháng 7, khi nhập viện đã chuyển biến rất nặng, tổn thương đa cơ quan, rối loạn đông máu. Bệnh nhân đã được hồi sức liên tục 7 giờ đồng hồ nhưng không qua khỏi. Trường hợp thứ hai vừa tử vong chỉ mới cách đây mấy ngày. Bệnh nhân này đến khám và nhập viện sớm nhưng triệu chứng nặng chuyển biến quá nhanh, tái sốc nặng, rối loạn đông máu, tổn thương đa cơ quan. Bệnh viện huy động 7 bác sĩ của Khoa Nhi và Khoa Tim mạch để cứu chữa nhưng bệnh nhân cũng không qua khỏi.  

Tương tự, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Lê Lợi, trong vòng 1 tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày Khoa Nhi có từ 20-30 trường hợp SXH nằm viện điều trị. Trong đó, khoảng 10% là trường hợp nặng, trong đó khá nhiều trường hợp có cơ địa béo phì. Chẳng hạn, em V.T.Đ (15 tuổi, phường 11, TP.Vũng Tàu) có cơ địa béo phì khi cân nặng hơn 80kg. Em Đ. nhập viện tại Bệnh viện Lê Lợi cách đây gần 1 tuần trong tình trạng khá nặng, sốt cao không hạ, tím tái, lừ đừ không đi lại nổi. Em Đ. phải truyền dịch 2 ngày liên tục và được theo dõi sát. Đến ngày thứ 3, Đ. mới qua cơn nguy hiểm và hiện đang nằm viện để các bác sĩ tiếp tục theo dõi điều trị. Bác sĩ Phạm Đình Quý, Khoa Nhi, Bệnh viện Lê Lợi cho hay, trẻ béo phì khi bị SXH, các triệu chứng thường nặng và diễn biến phức tạp hơn so với trẻ bình thường. Trường hợp này, các biểu hiện khá nặng, bệnh nhân còn bị suy hô hấp do tràn dịch màng phổi. Biến chứng này rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại những hậu quả nặng nề sau này cho người bệnh.

Theo bác sĩ Vương Quang Thắng, tỷ lệ sốc do SXH ở trẻ có cân nặng bình thường là khoảng 4,6% thì ở trẻ béo phì lên đến gần 15%. Nguyên nhân là do trẻ béo phì bị rối loạn về nhiều mặt như rối loạn chuyển hóa mỡ, đạm, đường, điện giải, rối loạn nhịp thở, rối loạn miễn dịch... Chính vì vậy, tất cả những trường hợp trẻ béo phì bị SXH phải được nhập viện theo dõi, bởi nếu sốc SXH thì việc điều trị rất khó khăn, trẻ dễ tử vong. Vấn đề ở đây là bên cạnh việc áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt, phụ huynh cần áp dụng cho trẻ chế độ dinh dưỡng, tập luyện để kiểm soát cân nặng của trẻ, không để trẻ bị béo phì. 

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 6.300 trường hợp mắc SXH, tăng khoảng 7 lần so với cùng kỳ 2018, trong đó 20% là trẻ em. Vì vậy, theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa nhi, những ngày đầu, khi trẻ có các biểu hiện sốt đột ngột, không kèm theo các bệnh lý khác thì phụ huynh hãy nghĩ đến SXH. Trong vòng 2 ngày sốt cao, gia đình cần đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác. Khi có dấu hiệu cảnh báo, trẻ cần được nhập viện điều trị sớm. Với những trẻ có cơ địa béo phì, có các bệnh lý đi kèm như: huyết áp, tiểu đường, tim mạch… càng cần phải được theo dõi chặt chẽ để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Nguồn Báo Bà Rịa Vũng Tàu