Ngày 26/6 hằng năm được chọn là " Ngày toàn dân phòng, chống ma túy", nhằm nâng cao nhận thức của mọi người trong phòng, chống và đấy tranh đẩy lùi tệ nạn ma túy trong xã hội.
Tệ nạn ma tuý đang là hiểm hoạ của các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới; là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS. Hậu quả, tác hại do tệ nạn ma tuý gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trật tự của đất nước. Vì vậy phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với tệ nạn ma tuý là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội.
Ma tuý bao gồm nhiều loại như Thuốc phiện (là nhựa lấy từ quả cây thuốc phiện), Morphine (là chất được trích ra từ thuốc phiện), Heroin (còn gọi là bạch phiến, là chất bán tổng hợp từ Morphine), Cocain (là chất được trích từ lá Coca), Cần sa vv… Các thuốc ma túy tổng hợp như Amphetamin (Ectasy) thường được gọi là thuốc lắc, ma túy đá được những người nghiện ma túy rất ưa dùng. Ngoài ra còn có các loại cỏ Mỹ, cỏ Nga…tất cả đều là ma túy! Chúng là các chất gây nghiện.
Ma túy gây sự lệ thuộc cả về mặt thể chất và tâm lý. Người nghiện luôn có sự ham muốn, thèm nhớ, phải sử dụng ma tuý. Khi đã quen dùng mà dừng lại, không sử dụng tiếp sẽ bị các rối loạn, gọi là “hội chứng cai thuốc”, gây cơn vật vã dữ dội, bị tiêu chảy, nôn ói, đau nhức cơ xương, rối loạn nhịp tim… làm người nghiện đau đớn, khổ sở không chịu được, phải tiếp tục dùng ma tuý, thậm chí gây tội ác, cướp của, giết người để có tiền mua ma tuý.
Chất gây nghiện khi sử dụng một thời gian cần phải tăng liều mới đạt được khoái cảm hay còn gọi là “phê”. Người sử dụng ma tuý và chất gây nghiện chỉ quan tâm đến cảm giác đạt khoái cảm, không tha thiết đến ăn uống, vệ sinh cá nhân và thường bị suy dinh dưỡng... Không những thế, để tăng khoái cảm, người nghiện không chỉ tăng liều mà còn thay đổi chất gây nghiện, thay đổi phương cách sử dụng. Từ việc chỉ hút vài điếu cần sa, sử dụng vài viên thuốc an thần gây ngủ loại Seduxen gọi là để nếm “cảm giác lạ”, dần dà khi quen dùng, do nhu cầu phải đạt được cảm giác gọi là “phê”, người nghiện sẽ đi đến sử dụng ma tuý loại mạnh, loại gây tác hại dữ dội như Heroin. Hay từ phương cách sử dụng chỉ là hút, hít, uống, người nghiện sẽ đi đến sử dụng phương cách tiêm chích để đạt đến cảm giác “phê” nhanh và mạnh nhất.
Ma tuý và các chất gây nghiện là độc chất nguy hiểm, dễ gây ngộ độc thuốc và sử dụng quá liều có thể tử vong. Muốn chữa trị, cai nghiện cho người nghiện (đặc biệt là phòng tái nghiện), biện pháp có tính hiệu quả nhất là giúp họ yêu cuộc sống và biết sống có trách nhiệm. Đối với những người nghiện, cần được điều trị cắt cơn nghiện và phục hồi sức khỏe, dạy nghề và tạo môi trường lao động sau cai nghiện, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Hiện nay tại BR-VT đã triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất Methadone ghi nhận nhiều kết quả khả quan.
Tác hại của ma tuý và các chất gây nghiện là khôn lường. Nếu sa vào con đường nghiện ngập, chắc chắn sẽ là thảm họa cho cá nhân, gia đình và ảnh hưởng xấu tới xã hội. Vì vậy, hãy tránh xa ma túy! Kiên quyết không thử ma túy dù chỉ một lần! Các bậc phụ huynh hãy dành thời gian quan tâm, gần gũi, chăm sóc con cái, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên. Cần tăng cường các biện pháp giáo dục phòng ngừa để mọi lứa tuổi nói chung và giới trẻ nói riêng không sa vào con đường nghiện ngập ma tuý và các chất gây nghiện.
Vì một xã hội tươi đẹp hơn “Hãy nói không với ma túy”
Nguồn: TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU