Viêm não vi rút là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên trong đó có viêm não Nhật Bản. Các chủng vi rút gây bệnh lây qua 3 con đường chính: Qua côn trùng đốt (muỗi, ve...), qua đường tiêu hoá và qua đường hô hấp. Viêm não vi rút gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và gây tử vong cao. Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, biến chứng và tử vong.
Viêm não Nhật Bản (VNNB) lây truyền theo đường máu, qua trung gian truyền bệnh là muỗi Culex. Muỗi nhiễm vi rút gây bệnh VNNB sau khi hút máu từ các loài động vật bị bệnh và truyền sang người thông qua vết đốt. Vi rút VNNB làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương với các biểu hiện cấp tính bao gồm: Sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: Vật vã mê sảng hoặc li bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút VNNB đều có thể bị mắc bệnh, đặc biệt là trẻ em dưới 15 tuổi.
Để chủ động phòng tránh bệnh viêm não vi rút và VNNB, người dân cần thực hiện các khuyến cáo sau:
- Tránh bị côn trùng, muỗi đốt khi sinh hoạt hoặc làm việc ngoài trời đặc biệt là vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn thông qua việc mặc áo quần phủ kín tay, chân, sử dụng các chất xua đuổi côn trùng, nằm màn khi ngủ…
- Thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ; chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng tại hộ gia đình. Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà.
- Thực hiện tốt cách ly đối với người bệnh nhiễm herpes, sởi, quai bị như: Hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, sử dụng các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
- Chủ động tiêm vắc xin sởi, quai bị để phòng bệnh và phòng tránh những biến chứng viêm não của các bệnh này.
- Vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thực hiện ăn chín, uống chín.
- Tiêm vắc xin VNNB đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất, trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản như sau:
- Mũi 1: Lúc trẻ được 1 tuổi;
- Mũi 2: Sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;
- Mũi 3: Cách mũi 2 là 1 năm.
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
7. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn: TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU