15h30 ngày 10/10 một bệnh nhân nữ tên L.T.T (50 tuổi, ngụ tại TP Bà Rịa, Bà Rịa Vũng Tàu) được đưa vào Bệnh viện Bà Rịa trong tình trạng da tím tái, lơ mơ, suy hô hấp cấp. Ngay lập tức ekip trực Cấp cứu đặt nội khí quản và bóp bóng; tuy nhiên 20 phút sau, mạch rời rạc, hôn mê sâu, ngưng tim ngưng thở, ekip cấp cứu tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hội chẩn với khoa Hồi sức tích cực chống độc. Sau hơn 1 giờ nỗ lực hồi sức tích cực với 4 lần ngưng tim, tim bệnh nhân đã bắt đầu đập trở lại bình thường.
Các bác sĩ thuộc đơn vị Hồi sức tim mạch chỉ định đưa bệnh nhân chụp CT-Scanner hệ thống động mạch phổi có thuốc cản quang. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy cả 2 động mạch phổi phải và trái của bệnh nhân đều tắc nghẽn máu đông với tỉ lệ lên tới 70%. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân ngừng tim đột ngột.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính của bệnh nhân
Bác sĩ Trần Thanh Đạt – trưởng đơn vị hồi sức tim mạch, trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc hội chẩn cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Bà Rịa đã quyết định sử dụng phương pháp tái thông mạch máu phổi bằng tiêu sợi huyết với Actilyse liều 0,6/kg trong vòng 15 phút.
Với sự nỗ lực phải cứu chữa đến cùng để dành lại sự sống cho bệnh nhân, điều kỳ diệu đã đến, sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết, huyết áp bệnh nhân tăng dần lên, oxy máu cải thiện, tiểu tiện được.
Qua hội chẩn từ xa với PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải – Bệnh viện đại học Y Hà Nội (chuyên gia về điều trị thuyên tắc động mạch phổi) quyết định tiếp tục Heparin bơm tiêm điện duy trì. Sau 36 giờ, bệnh nhân tỉnh hoàn toàn, ngưng thở máy rút nội khí quản. Sau 2 ngày được hồi sức tích cực, với sự quan tâm của các bác sĩ đơn vị Hồi sức tim mạch, bệnh nhân đã ngưng thở máy, rút ống nội khí quản, tri giác hoàn toàn bình thường, tỉnh táo hoàn toàn và có thể tự ăn uống, chuyển qua dùng thuốc chống đông đường uống. 7 ngày sau điều trị, bệnh nhân đã có thể nói chuyện, bắt đầu tập đi lại và được xuất viện.
Nhận diện nguy cơ
Thuyên tắc động mạch phổi cấp đòi hỏi trình độ chuyên sâu cũng như hệ thống trang thiết bị hỗ trợ hiện đại. Trên thế giới, những trường hợp tương tự tỉ lệ tử vong rất cao lên tới 80-90%.
Qua khai thác, bệnh nhân T bị té ngã bị sưng, đau nhức khớp gối không đi khám mà nằm tại nhà, 7 ngày sau đó bệnh nhân đột ngột rơi vào tình trạng khó thở, choáng ngất mới đưa vào cấp cứu.
Theo đánh giá của BS Đạt: nguyên nhân của thuyên tắc phổi là do hình thành huyết khối từ hệ thống tĩnh mạch, đặc biệt tĩnh mạch sau và chi dưới, huyết khối nếu không được phát hiện sẽ di chuyển theo dòng máu chạy lên gây thuyên tắc phổi, nếu không kịp phát hiện xử lý đúng rất dễ bị suy hô hấp cấp. Các bệnh nhân nằm bất động lâu hoặc các bệnh nhân sau các phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, cột sống, bác sĩ cần dùng thuốc phòng ngừa thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch .
Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh khi bệnh nhân bị chấn thương cơ xương khớp (vùng khớp gối, đùi ...) nên đi khám bệnh chuyên khoa để được điều trị và phòng ngừa thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch đúng cách.