28 June 2019

Sau 3 năm thực hiện thí điểm chương trình cải tiến chất lượng dinh dưỡng lâm sàng tại Bệnh viện (BV) Bà Rịa, chất lượng chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt. Chương trình nằm trong hoạt động của dự án “Cải thiện chất lượng dinh dưỡng lâm sàng trong các BV tại Việt Nam” do Bộ Y tế hợp tác với Công ty Abbott (Hoa Kỳ) thực hiện. 

Bữa ăn dinh dưỡng được nhân viên y tế phục vụ tận giường bệnh cho những bệnh nhân lớn tuổi, hoặc đi lại khó khăn tại Khoa Nội, BV Bà Rịa.

BỆNH NHÂN ĐƯỢC LỢI

Dinh dưỡng lâm sàng có vai trò rất quan trọng trong quá trình hỗ trợ điều trị người bệnh. Tuy nhiên, theo khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh tại một số BV, có tới 1/3 bệnh nhân suy dinh dưỡng khi nhập viện, cao nhất là ở khoa nội, hô hấp và lão. Tình trạng này đã được BV Bà Rịa thay đổi bằng các biện pháp điều trị dinh dưỡng phù hợp; đặc biệt là việc thực hiện thí điểm chương trình cải tiến chất lượng dinh dưỡng lâm sàng. Tham gia chương trình, BV được hỗ trợ công cụ sàng lọc dinh dưỡng và quy trình đánh giá dinh dưỡng người bệnh trong BV; tổ chức đào tạo, hướng dẫn quy trình thực hành dinh dưỡng lâm sàng cho các cán bộ và nhân viên y tế tại BV. Tính đến nay, BV có hơn 90% bệnh nhân được chăm sóc dinh dưỡng theo chương trình này.

Bà Nguyễn Thị Hồng Đồ, (ngụ xã Bình Giã, huyện Châu Đức) là một trong những bệnh nhân được chăm sóc dinh dưỡng theo chương trình. Những ngày nằm viện điều trị tiểu đường, bệnh huyết áp tại BV Bà Rịa, mỗi ngày, bà Đồ đều ăn theo chế độ dinh dưỡng của BV. Ngày đầu, bà thấy không quen do khẩu vị thức ăn nhạt hơn so với bữa ăn thường ngày. Được y, bác sĩ giải thích, tư vấn về tác dụng của bữa ăn dinh dưỡng hỗ trợ rất tốt việc điều trị bệnh, đặc biệt là chế độ ăn nhạt, không bột ngọt nên bà cố gắng làm theo. Bà cho biết: “Khi về nhà, tôi cũng tập ăn theo chế độ dinh dưỡng mà bác sĩ tư vấn và từ bỏ thói quen ăn mặn trước đây. Nhờ vậy, sức khỏe của tôi cải thiện tích cực”. 

Các bữa ăn dinh dưỡng tại BV được nhân viên y tế phục vụ tận giường bệnh, tạo sự thuận tiện cho bệnh nhân. Người nhà bệnh nhân không còn phải “cơm đùm, cơm nắm” mang theo hoặc mua “cơm hàng, cháo chợ” như trước đây, vừa đắt lại vừa lo không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, (ở phường 9, TP. Vũng Tàu) sinh con tại BV Bà Rịa chia sẻ: “Các bữa ăn ở BV chế biến ngon, được thay đổi khẩu vị mỗi ngày, lại vừa túi tiền, đặc biệt là an tâm về chất lượng VSATTP”. 

Ông Cao Phát Đạt, chuyên viên dinh dưỡng tiết chế, Khoa Dinh dưỡng, BV Bà Rịa cho biết, các suất ăn dinh dưỡng ở BV được kiểm soát chặt về nguồn gốc thực phẩm và quá trình chế biến bảo đảm các quy định về VSATTP. Các nhóm chất, thành phần dinh dưỡng, tỷ lệ calo được phân chia bằng hệ thống phần mềm nên bảo đảm bữa ăn cân đối dinh dưỡng cho từng người bệnh. 

Ông Cao Phát Đạt, chuyên viên dinh dưỡng tiết chế, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Bà Rịa trả lời phỏng vấn

HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ BẰNG DINH DƯỠNG LÂM SÀNG

Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Chinh, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, BV Bà Rịa, phụ trách chương trình dinh dưỡng lâm sàng cho biết, yêu cầu của chương trình là bữa ăn dinh dưỡng phải được chế biến phù hợp với chế độ dinh dưỡng dành cho mỗi bệnh lý. Ngoài ra, tùy theo tình trạng bệnh lý mà bệnh nhân còn được cung cấp các thực phẩm dinh dưỡng bổ sung theo đường uống, ống thông từ mũi, hoặc truyền tĩnh mạch. Theo từng mã bệnh lý, chỉ định của bác sĩ, Khoa Dinh dưỡng sẽ lên thực đơn khác nhau cho bệnh nhân. Đối với một số bệnh lý đặc biệt, bác sĩ Khoa Dinh dưỡng và các khoa điều trị sẽ tổ chức hội chẩn dinh dưỡng để đưa ra chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất với bệnh lý của bệnh nhân. Bệnh nhân khi nằm điều trị cần phải tuân thủ chế độ ăn theo bệnh lý thì mới có thể mau phục hồi, chứ không thể ăn uống tùy thích như hàng ngày.

Cũng theo bác sĩ Chinh, việc cải tiến chất lượng dinh dưỡng lâm sàng tại BV trong thời gian qua đã hỗ trợ tích cực cho quá trình điều trị và phục hồi của bệnh nhân. Chẳng hạn, tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, từ khi BV thực hiện chương trình cải tiến chất lượng dinh dưỡng lâm sàng, thời gian điều trị cho bệnh nhân tại khoa được rút ngắn hơn 1-2 ngày. Đơn cử, một bệnh nhân bị viêm phổi nặng thường phải điều trị hồi sức tích cực từ 5-7 ngày. Nếu được can thiệp dinh dưỡng tốt, bệnh nhân rút ngắn thời gian thở máy, được chuyển sang các khoa khác sớm hơn khoảng 2 ngày, tiết kiệm chi phí cho người bệnh từ 5-7 triệu đồng. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Chinh, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Bà Rịa trả lời phỏng vấn

Tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị, rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân, BV Bà Rịa đang triển khai thêm chương trình sàng lọc tình trạng dinh dưỡng cho bệnh nhân nội trú. Đây là chương trình đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân và đưa ra chỉ định dinh dưỡng hỗ trợ ở các cấp độ khác nhau với các loại thực phẩm bổ sung. 

Kính mời quý vị xem thêm đoạn phóng sự : Bệnh viện Bà Rịa thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng cho người bệnh theo đường link dưới đây: https://www.youtube.com/watch?v=urc8K8tgzNk

Theo báo Bà Rịa Vũng Tàu