Bệnh Dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số ca tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như Việt Nam. Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong; 5 tháng đầu năm 2023, dù chưa đến mùa cao điểm của bệnh Dại nhưng cả nước đã ghi nhận 35 ca tử vong do bệnh này, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hiện bệnh Dại đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương. Bệnh lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách (hoặc qua màng niêm mạc còn nguyên vẹn) vào cơ thể. Sau khi xâm nhập, vi rút Dại hủy hoại dần các tế bào thần kinh làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh.
Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do Dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi Dại cắn không tiêm phòng vắc xin. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm phòng Dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
- Tránh xa chó mèo lạ, chạy rong hoặc có biểu hiện của bệnh Dại.
- Không đùa nghịch chó, mèo.
- Không thả rông chó mèo mà không đeo rọ mõm.
- Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm trên da trầy xước cần xử lý vết thương bằng nước và xà phòng liên tục trong vòng 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả làm giảm lượng vi rút tại vết thương, giảm nguy cơ mắc bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn.
- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương, sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70 độ, cồn I-ốt hoặc Povidone iodinine.
- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn và tiêm phòng Dại kịp thời, tuyệt đối không dùng thuốc nam, thuốc tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại.