20 March 2025

Bệnh lao, một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, vẫn là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có hàng triệu người mắc lao và hàng trăm nghìn người tử vong vì căn bệnh này.

Tại Việt Nam, dù đã đạt nhiều tiến bộ trong công tác phòng chống lao, nhưng nước ta vẫn nằm trong danh sách các quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao. Theo ước tính của WHO, Việt Nam có khoảng 182.000 bệnh nhân lao mới mỗi năm, trong đó có 9.900 bệnh nhân lao kháng thuốc và khoảng 11.000 người tử vong do lao. Do đó, cam kết, đầu tư và hành động mạnh mẽ để chấm dứt bệnh lao là nhiệm vụ cấp bách của toàn xã hội.

Bệnh lao lây truyền như thế nào?

Bệnh lao lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp khi người bệnh trong giai đoạn tiến triển ho, khạc đờm hoặc hắt hơi, giải phóng các hạt khí chứa vi khuẩn lao ra không khí. Người khỏe mạnh nếu hít phải các hạt khí này sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh.

Dấu hiệu mắc lao

Các triệu chứng thường gặp của bệnh lao bao gồm: ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu) - đây là dấu hiệu nghi ngờ quan trọng nhất. Ngoài ra, người bệnh có thể có một số triệu chứng thường gặp khác như: gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm, đau ngực, và đôi khi khó thở.

Làm thế nào để phòng bệnh lao?

Để phòng bệnh lao hiệu quả, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

  1. Tiêm vắc-xin BCG cho trẻ sơ sinh ngay trong tháng đầu sau sinh để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lao.
  2. Phát hiện sớm: Khi có triệu chứng ho kéo dài trên 2 tuần, cần đến cơ sở y tế để khám, xét nghiệm đờm và chụp X-quang phổi.
  3. Điều trị sớm và đúng phác đồ: Người mắc bệnh lao cần tuân thủ điều trị ngay khi được chẩn đoán để tránh lây lan cho người xung quanh. Đặc biệt, bệnh nhân cần đeo khẩu trang trong 2 tháng đầu điều trị và không khạc nhổ bừa bãi. Các vật dụng cá nhân như chăn, chiếu nên được phơi nắng thường xuyên.
  4. Duy trì môi trường sống lành mạnh: Đảm bảo vệ sinh nhà cửa, thông thoáng khí, tăng cường vận động và có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng.
  5. Chung tay phát hiện và hỗ trợ người bệnh: Gia đình và cộng đồng cần nâng cao nhận thức, chủ động phòng chống và hỗ trợ người bệnh lao tuân thủ phác đồ điều trị để hạn chế lây lan bệnh.
  6. Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, đặc biệt là các cơ sở y tế.

Hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm 2025 với chủ đề: "Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao", mỗi cá nhân, tổ chức hãy chung tay đẩy lùi căn bệnh này. Chấm dứt bệnh lao không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà còn là nhiệm vụ của toàn xã hội. Hãy cùng chung tay xây dựng một Việt Nam khỏe mạnh, đẩy lùi bệnh lao!

Nguồn: TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Tài liệu đính kèm: