8 January 2025

    Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được mọi người dân và xã hội đặc biệt quan tâm bởi nó liên quan trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng người sử dụng. Trong những năm qua, mặc dù các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương luôn quan tâm và có nhiều biện pháp tích cực, song tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn xảy ra, có vụ rất nghiêm trọng, nhiều người mắc và ghi nhận có tử vong. Nguyên nhân chủ yếu là do thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm; thực phẩm có sẵn độc tố hoặc uống rượu pha từ cồn công nghiệp (Methanol)…vv

    Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm, dư luận đặc biệt quan tâm. Điển hình là vụ nhiều người phải nhập viện do ăn bánh mì – xôi bị nhiễm khuẩn mua tại tiệm bánh mì - xôi Cô Ba - Bến Đình, thành phố Vũng Tàu, hay vụ ngộ độc rượu Methanol (cồn công nghiệp) sau ăn uống tại quán Bánh canh cá lóc Kỷ Quảng Trị ở thành phố Vũng Tàu khiến 04 bệnh nhân nhập viện.

    Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, đặc biệt là các thực phẩm như: gia súc, gia cầm, giò, chả, cá, trứng, thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu, ... Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Nguy cơ xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm là rất lớn nếu không được kiểm soát tốt.

    Để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, mỗi người dân hãy cùng góp sức thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Người sản xuất, vận chuyển, buôn bán, chế biến, phân phối, kinh doanh thực phẩm cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, thông báo rộng rãi trên các cơ quan thông tin đại chúng để cộng đồng biết và tẩy chay. Người tiêu dùng hãy trở thành “Người tiêu dùng thông thái” chỉ mua và sử dụng thực phẩm đảm bảo vệ sinh, các địa chỉ, nhãn hàng uy tín, chất lượng và đồng thời tuân thủ 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm, cụ thể là:

  1. Chọn thực phẩm an toàn: Chọn thực phẩm tươi; rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên rửa sạch gọt vỏ trước khi ăn.
  2. Nấu chín kỹ thức ăn: Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn là bảo đảm nhiệt độ bên trong khối thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.
  3. Ăn ngay sau khi nấu: Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe.
  4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín: Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
  5. Nấu lại thức ăn thật kỹ: Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, phải được đun kỹ lại.
  6. Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống: Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn.
  7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn: Nếu tay có vết thương hãy băng kỹ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn.
  8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn: Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
  9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác: Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn... Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.
  10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.

Nguồn: TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU