Những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) được Bệnh viện (BV) Bà Rịa coi là một trong những nhiệm vụ thường niên nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Các đề tài NCKH luôn bám sát nhu cầu thực tế về chăm sóc sức khỏe, mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh.
Từ đòi hỏi của việc cấp cứu bệnh nhi bị co giật do sốt, các bác sĩ Khoa Nhi, BV Bà Rịa đã dày công nghiên cứu giải pháp hạn chế tình trạng này. Trong ảnh: Bác sĩ Khoa Nhi, BV Bà Rịa thăm khám cho trẻ.
Từ đòi hỏi của việc cấp cứu bệnh nhi bị co giật do sốt (CGDS) tại phòng cấp cứu Khoa Nhi, BV Bà Rịa, các bác sĩ của khoa đã dày công nghiên cứu đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này. Bởi CGDS khi tái phát có thể gây đột tử, động kinh, chậm phát triển, bại não ở trẻ. Đó là nội dung đề tài nghiên cứu khoa học của nhóm bác sĩ Khoa Nhi, BV Bà Rịa. Nhóm bác sĩ đã khảo sát 115 trẻ (6 tháng đến 60 tháng) CGDS tại BV Bà Rịa từ tháng 2/2020-8/2020 cho thấy, việc xét nghiệm Natri máu ở trẻ CGDS có thể dự đoán được cơn tái phát CGDS trong vòng 24 giờ đầu; điều này giúp ích trong việc theo dõi và tư vấn cho cha mẹ chăm sóc trẻ tránh nguy cơ CGDS tái phát.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Phương Trang, Khoa Nhi, trên thế giới cũng như ở Việt Nam có nhiều công trình nghiên cứu CGDS ở trẻ em. Tuy nhiên chưa có công bố nào tìm hiểu sự khác nhau về lâm sàng và cận lâm sàng của CGDS đơn giản và phức tạp. Do đó, nhóm nghiên cứu của khoa đã khảo sát, phân tích, đánh giá để tìm sự khác nhau về dịch tễ học, lâm sàng, cận lâm sàng của CGDS đơn giản, phức tạp, những yếu tố liên quan; từ đó tham vấn cho gia đình bệnh nhi tốt hơn về dự phòng nguy cơ tái phát và những biến chứng không mong muốn.
Một trong những đề tài NCKH khác tại BR-VT xuất phát từ tình hình thực tế là công trình phân tích đánh giá về hiệu quả của phương pháp sử dụng vạt da cân cơ mông lớn trong điều trị loét vùng cụt của bác sĩ Nguyễn Phương Nam (Khoa Chấn thương chỉnh hình và bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc BV Bà Rịa). Từ thành công của quá trình nghiên cứu, phương pháp sử dụng vạt da cân cơ mông lớn trong điều trị loét vùng cụt đã được áp dụng hiệu quả trong thực tế điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Phương Nam, loét vùng cụt là một biến chứng nặng nề thường xảy ra trên những bệnh nhân nặng, nằm điều trị trên giường bệnh lâu ngày. Che phủ vùng khuyết hồng trong loét vùng cụt bằng vạt da cơ mông lớn là phương pháp để hạn chế thấp nhất tỷ lệ loét tái phát. Qua nghiên cứu của nhóm bác sĩ trên 21 bệnh nhân bị loét vùng cụt tại khoa Chấn thương chỉnh hình được sử dụng phương pháp nói trên để che phủ tổn khuyết ổ loét vùng cụt cho kết quả 57,1% tốt, không có kết quả xấu. Vạt lấp đáp ứng đủ độ dày cho chiều sâu và che phủ đủ diện tích khuyết hồng vùng cùng cụt. Từ đó, nhóm rút ra kết luận, trong điều trị loét cùng cụt giai đoạn III, IV đây là phương pháp rất hiệu quả, làm đầy khuyết hồng lỗ loét nhanh nhất, tạo thành nơi cho phép tỳ đè sau này, là kỹ thuật có thể làm được ở các tuyến cơ sở.
2 đề tài NCKH nói trên nằm trong số 8 đề tài NCKH được báo cáo tại hội nghị NCKH do BV phối hợp với một số đơn vị y tế tổ chức vào cuối tuần vừa qua. Ngoài ra, tại BV Bà Rịa còn có nhiều đề tài tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan đến can thiệp động mạch, chẩn đoán và điều trị bệnh cơ tim, chế độ ăn hỗ trợ kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường, quản lý sức khỏe người cao tuổi…
Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc BV Bà Rịa cho biết, NCKH là một trong 7 nhiệm vụ của BV nhằm thúc đẩy sự phát triển chuyên môn cho BV. Những năm qua, BV Bà Rịa đã ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị. Tuy nhiên, để việc ứng dụng hiệu quả cao, cần có những đánh giá, nghiên cứu từ thực tế công việc. “Những đề tài NCKH cũng là công lao và thành quả đã đạt được trong những năm qua của tập thể y bác sĩ BV đã nỗ lực để phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh”, bác sĩ Hương khẳng định.
Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu