Ngày 04-12, Bệnh viện Bà Rịa tổ chức Hội nghị báo cáo nghiên cứu khoa học lần thứ 24 thu hút hơn 300 y bác sĩ trên địa bàn tỉnh đến tham dự.
Nhằm tạo điều kiện để các y bác sĩ cập nhật kiến thức mới, kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay và tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp trong và ngoài chuyên ngành. Thông qua hoạt động Nghiên cứu khoa học, nhân viên y tế sẽ được rèn luyện thêm khả năng tư duy sáng tạo, từng bước trau dồi phương pháp luận khoa học, gắn lý luận với thực tiễn và hình thành những tố chất và bản lĩnh cơ bản của người cán bộ khoa học: cẩn thận, nghiêm túc, chính xác, khách quan.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hương – Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa phát biểu tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân: “Hàng năm, trên cả nước, hàng ngàn người bệnh đến khám và điều trị, hàng ngàn ca phẫu thuật, trong đó nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu đã được ứng dụng nhờ các đề tài nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã và đang triển khai, nhiều sáng kiến cải tiến đã giúp cho công tác khám và điều trị bệnh tốt hơn, đem lại sức khỏe, niềm vui cho người bệnh, gia đình người bệnh và các thầy thuốc”.
Hội nghị được nghe 6 bài báo cáo nghiên cứu khoa học:
1. Đề tài “Nhận xét các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên được làm can thiệp mạch vành cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa trong 10 tháng năm 2018” (BSCK1 Nguyễn Vĩnh Trung – Khoa Nội Tim mạch Lão học và ThS.BS Phan Văn Thành – Phó giám đốc BVBR).
Bệnh Viện Bà Rịa đã triển khai đơn vị “Can thiệp mạch vành” từ tháng 3 năm 2016 dưới sự chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Chợ Rẫy và chính thức hoạt động độc lập từ 25 tháng 11 năm 2016. Từ đó đến nay đơn vị đã can thiệp mạch vành cấp cứu cho hầu hết bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp ST chên lên (NMCTCSTCL) tại Bệnh viện Bà Rịa. Trong 10 tháng của năm 2018 đơn vị đã chụp/can thiệp động mạch vành cấp cứu cho 117 bệnh nhân với chẩn đoán NMCTCSTCL. Đề tài này nhằm đưa ra những đặc điểm lâm sàng và kết quả chụp/can thiệp mạch vành cấp cứu các trường hợp NMCTCSTCL đã được xử lí.
2. Đề tài: “Đánh giá thực trạng xuất toán BHYT tại bệnh viện Bà Rịa năm 2019” (ThS Nguyễn Hồng Vân – Trưởng phòng Tài chính Kế toán BVBR)
Đề tài nhằm này đánh giá thực trạng xuất toán Bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Bà Rịa nhằm tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục, giảm thiểu tối đa xuất toán Bảo hiểm y tế cho Bệnh viện năm 2019.
3. Đề tài: “Kết quả sử dụng vạt cơ mông lớn trong điều trị loét vùng cùng cụt tại bệnh viện Bà Rịa” (BSCK2 Nguyễn Phương Nam – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và BSCK2 Nguyễn Văn Hương – Giám đốc BVBR).
Loét vùng cùng cụt thường gặp ở những bệnh nhân nằm điều trị trên giường bệnh trong thời gian hậu phẫu, hồi sức tích cực sau khi bị chấn thương tủy sống, đa chấn thương, tai biến mạch máu não.., và cả ở những bệnh nhân gãy xương chi dưới điều trị bảo tồn hay bệnh nhân suy kiệt nằm liệt tại giường mà công tác chăm sóc thực hiện không tốt. Tại bệnh viện Bà Rịa đã tiến hành áp dụng vạt da cân cơ mông lớn để điều trị cho 21 bệnh nhân bị loét vùng cùng cụt ở mức độ nặng đã có tổn thương mô mềm đến xương và đã thu được kết quả rất khả quan. Đề tài này nhằm đánh giá kết quả và rút ra một số nhận xét khi sử dụng vạt da cân cơ mông lớn.
4. Đề tài: “Khảo sát hiệu quả sử dụng chế độ ăn hỗ trợ kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường type 2” (KS Cao Phát Đạt – Khoa Dinh dưỡng)
Chế độ ăn cân đối và hợp lý là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu trong quản lý và điều trị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) type 2, qua đó cần thiết lựa chọn các loại thực phẩm và số lượng của chúng sao cho có thể cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng và năng lượng nhằm duy trì sức khoẻ cho bệnh nhân, tránh bị thiếu hụt hoặc dư thừa dinh dưỡng nhưng đồng thời cũng cho phép kiểm soát được lượng đường huyết, cải thiện độ nhạy insulin để hạn chế những biến chứng và việc sử dụng thuốc. Các công trình nghiên cứu khoa học trên cho thấy hiệu quả tiềm năng của chế độ ăn hạn chế khối lượng hoặc loại carbohydrate trong quản lý và điều trị bệnh ĐTĐ type 2, tuy nhiên điều này hầu như chưa được ứng dụng hoặc ứng dụng rất ít trong quản lý bệnh ĐTĐ type 2 tại Việt Nam, vì vậy KS Cao Phát Đạt chọn nghiên cứu đề tài: “Khảo sát hiệu quả sử dụng chế độ ăn hỗ trợ kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường type 2”nhằm xây dựng cơ sở khoa học từ chế độ ăn cho phép hỗ trợ kiểm soát đường huyết sau ăn hiệu quả ở bệnh nhân ĐTĐ type 2, cải thiện chất lượng cuộc sống và hạn chế nguy cơ phát triển các biến chứng.
5. Đề tài: “Khảo sát các yếu tố liên quan đến suy yếu ở người bệnh cao tuổi điều trị nội trú tại Bệnh viện Bà Rịa” (BSCK2 Nguyễn Thị An – Phòng Kế hoạch tổng hợp)
Trong hoàn cảnh lão hóa của dân số toàn cầu, tỷ lệ suy yếu trong dân số ngày càng tăng vì thế suy yếu cũng trở thành chủ đề nghiên cứu chính trong lý thuyết và thực hành lão khoa. Trong những năm gần đây đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới về suy yếu trong cộng đồng cũng như trên bệnh nhân lão khoa nằm viện nhằm xác định tỷ lệ suy yếu ở người cao tuổi và các yếu tố liên quan đến suy yếu, sàng lọc và can thiệp sớm những người bệnh cao tuổi có suy yếu là biện pháp hữu hiệu giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và chi phí điều trị cho gia đình và xã hội. Với mong muốn tìm hiểu tình hình suy yếu của người bệnh cao tuổi điều trị nội trú như thế nào, bác sĩ Nguyễn Thị An tiến hành nghiên cứu: khảo sát các yếu tố liên quan suy yếu của người bệnh cao tuổi điều trị nội trú tại bệnh viện Bà Rịa với công cụ chẩn đoán suy yếu là CFS để trả lời cho những câu hỏi trên.
6. Đề tài: “Khảo sát đặc điểm co giật do sốt ở trẻ em và các yếu tố liên quan tại bệnh viện Bà Rịa năm 2020” (ThS.BS Võ Văn Đạt – Phó Khoa Nhi, BS Đỗ Thị Phương Trang và BS Nguyễn Thị Tâm – Khoa nhi BVBR)
Co giật do sốt (CGDS) có thể gây ra đột tử, động kinh, chậm phát triển, bại não, tái phát CGDS. Đây là những gánh nặng lớn về kinh tế lên gia đình và xã hội. Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu CGDS ở trẻ em. Ở Việt Nam, mặc dù CGDS khá thường gặp, song việc quản lý và điều trị chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, ở nước ta cũng có một số công trình nghiên cứu về CGDS ở trẻ em, nhưng chưa có công bố đề tài nào tìm hiểu sự khác nhau về lâm sàng và cận lâm sàng của CGDS đơn giản và CGDS phức tạp. Để tìm ra sự khác nhau về dịch tễ học, lâm sàng, cận lâm sàng của CGDS đơn giản và CGDS phức tạp, yếu tố liên quan đến CGDS đơn giản và CGDS phức tạp nhằm tham vấn cho gia đình bệnh nhi tốt hơn về dự phòng nguy cơ tái phát và những biến chứng không mong muốn của CGDS. Đây là vấn đề khả thi và cần thiết. Vì vậy các bác sĩ tại khoa Nhi BVBR tiến hành nghiên cứu đề tài “Khảo sát đặc điểm co giật do sốt ở trẻ em và các yếu tố liên quan tại Bệnh viện Bà Rịa năm 2020”.
Hội nghị báo cáo nghiên cứu khoa học được tổ chức thường xuyên tại Bệnh viện Bà Rịa và đã trở thành một trong những hoạt động thiết thực để thể hiện tài năng, sáng tạo, là nơi trao đổi kiến thức mới trong lĩnh vực y tế, tiếp cận và hội nhập với sự phát triển của khoa học nước nhà và thế giới. Những đề tài nghiên cứu khoa học này cần ghi lại công lao và thành quả đã đạt được trong năm qua của tập thể CBCC bệnh viện Bà Rịa trong nghiên cứu khoa học. Đồng thời, là niềm hy vọng cao nhất được đưa vào thực tiễn tại Bệnh viện Bà Rịa. Hơn thế nữa, Hội nghị cũng là một dịp tốt để mở rộng giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học, quy trình kỹ thuật cải tiến mới với các đơn vị trong Ngành y tế tỉnh nhà.