Ngày 14/11 hàng năm được Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) chọn là Ngày Đái Tháo Đường Thế Giới nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh đái tháo đường. Dữ liệu cập nhật của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) cho thấy năm 2019 Việt Nam có 6% người trưởng thành mắc ĐTĐ.
Đái tháo đường là một bệnh mạn tính, có tiến triển chậm, xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ hoặc không sử dụng hiệu quả hormone insulin. Đái tháo đường không chỉ gây ra các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, suy thận mà còn đe dọa trực tiếp tính mạng nếu bị hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết nặng. Để kiểm soát bệnh tốt, người bệnh cần tuân thủ điều trị và theo dõi sát đường huyết.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để phòng tránh đái tháo đường, mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh gồm.
Giữ cân nặng hợp lý: Tránh tình trạng thừa cân, béo phì bằng cách kiểm soát khẩu phần ăn hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực.
Chế độ ăn uống khoa học: Chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt; hạn chế ăn đồ ngọt, uống nước ngọt có ga; không ăn quá no.
Tập luyện thể dục thường xuyên: Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần giúp đốt cháy calo và cải thiện khả năng sử dụng glucose của cơ thể.
Kiểm soát các bệnh lý nền: Tăng huyết áp, mỡ máu cao, béo phì... là những yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường.
Khám sức khỏe định kỳ: Từ 45 tuổi trở lên, mỗi năm nên khám sức khỏe tổng quát 1 lần, bao gồm xét nghiệm đường huyết để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường.
Ngày Đái tháo đường thế giới là chiến dịch nâng cao nhận thức về bệnh Đái tháo đường, với mong muốn lan tỏa, xây dựng lối sống lành mạnh để người đái tháo đường và mọi người chủ động trong việc kiểm soát đường huyết, tự tin vui sống với gia đình con cháu.