7 January 2017

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong công tác phòng chống lao, song BR-VT nằm trong khu vực B2 (khu vực các tỉnh Đông và Tây Nam bộ) là vùng có dịch tễ lao cao. Theo thống kê năm 2015, bệnh nhân lao chiếm tỷ lệ hơn 126/100.000 dân, trong đó, tỷ lệ tử vong do mắc bệnh lao là 4,5% tổng số người mắc bệnh lao.


Bệnh nhân lao điều trị nội trú tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Bà Rịa.
rong những năm qua, công tác phòng chống lao tại BR-VT được chính quyền, các cấp ngành quan tâm, đầu tư và đạt mục tiêu đề ra: phát hiện hơn 80% bệnh nhân lao mới (cả nước là hơn 70%), điều trị khỏi cho hơn 90% bệnh nhân lao. Tuy nhiên, dịch tễ lao trên địa bàn tỉnh giảm chậm, con số tử vong do lao hàng năm vẫn chiếm tỷ lệ cao, 4% trên tổng số người mắc bệnh lao. Chính vì vậy, bệnh lao vẫn đang là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng và là một trong nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Bác sĩ Nguyễn Minh Lương, Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội (TTPCBXH) cho biết, bệnh lao khi tiến triển nặng dẫn đến suy kiệt cơ thể, làm tổn thương tế bào phổi (lao phổi). Do đó, bệnh nhân dễ bị bội nhiễm nhiều loại bệnh khác cùng một lúc, dẫn đến tử vong. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến bệnh lao tiến triển nặng dẫn đến tử vong đó là bệnh nhân không tuân thủ điều trị, làm bệnh tái phát phải điều trị nhiều lần, hoặc dẫn đến kháng thuốc.

Hiện nay, theo con số thống kê, số người nguy cơ nhiễm lao hàng năm ước tính là 1,5% dân số của tỉnh. Tuy nhiên, số bệnh nhân lao được công bố chỉ là số người được khám phát hiện. Trên thực tế, số người mắc bệnh thực sự còn cao hơn nhiều, do bệnh nhân không chịu đi khám hoặc không biết mình mắc bệnh lao. Điều đáng lo ngại hơn, nhiều người mắc bệnh lao hiểu biết khá mơ hồ về căn bệnh mình mắc phải, dẫn đến việc không tuân thủ quy trình điều trị cho bản thân và thờ ơ với  việc phòng ngừa lây nhiễm cho cộng đồng.

Theo bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Lao, TTPCBXH, thách thức lớn cho công tác phòng chống lao hiện nay là xu hướng gia tăng số lượng bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV hàng năm, làm tăng gánh nặng và giảm hiệu quả của chương trình phòng chống lao quốc gia. Bởi nguy cơ mắc lao ở người bệnh HIV cao gấp 30 lần so với người bình thường, trong khi việc chẩn đoán bệnh lao ở người HIV dương tính khó khăn hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn, làm giảm kết quả điều trị khỏi bệnh của chương trình. Hiện nay tỷ lệ người bệnh đồng nhiễm lao HIV chiếm khoảng 15% số người nhiễm lao thu nhận hàng năm, riêng năm 2015 có 52 bệnh nhân, chiếm 4,7%.

Bên cạnh đó, tình hình lao đa kháng thuốc đang gia tăng làm cho việc điều trị bệnh lao trở nên khó khăn và phức tạp. Những nhóm người có nguy cơ cao là người có điều kiện kinh tế khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, sống tạm trú hoặc hay di chuyển nơi ở, gây ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả quản lý và điều trị bệnh nhân. Nhóm những người sống chung với người HIV/AIDS, những người khó tiếp cận với các dịch vụ y tế là những đối tượng thường bị phát hiện bệnh muộn, quản lý, điều trị khó khăn.

Để thực hiện mục tiêu của chương trình chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2030 "Bệnh lao không còn là mối nguy cơ cho cộng đồng" đòi hỏi có sự đổi mới trong chiến lược phòng chống lao. Đó là đổi mới tư duy, chính sách, cách tiếp cận, tăng cường đầu tư cho công tác phòng chống lao, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự phối hợp tích cực của các ban ngành, đoàn thể. Đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng chống lao hiệu quả tại cộng đồng.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, năm 2014, toàn tỉnh phát hiện 1.453 bệnh nhân lao, trong đó 755 ca lao phổi AFB (+) mới, 59 trường hợp tử vong do lao (tỷ lệ 4%). Năm 2015 phát hiện 1.403 bệnh nhân, trong đó 693 ca lao phổi AFB (+) mới, có 63 trường hợp tử vong do lao (tỷ lệ 4,5%).