14 September 2023

Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc cấp) là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng thường gặp như: sốt nhẹ; cộm mắt, đau, sưng, đỏ mắt; tiết nhiều ghèn (dử mắt) và chảy nước mắt. Bệnh dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và có thể xuất hiện vào tất cả các thời điểm trong năm, nhưng thường có những đợt bùng phát thành dịch, nhất là vào những thời điểm giao mùa. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, và nếu nguyên nhân do vi rút thì cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Bệnh đau mắt đỏ chủ yếu lây lan bằng đường tiếp xúc trực tiếp thông qua:

  1. Tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều vi rút.
  2. Cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm mầm bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của nguời bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt… Dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối…
  3. Sử dụng nguồn nước bị nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, bể bơi.
  4. Thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng.

Bệnh viện, công sở, lớp học, nơi làm việc, nơi công cộng, trên xe buýt, tàu hỏa, máy bay… những nơi có mật độ người đông, cự ly gần rất dễ lây bệnh. Mầm bệnh gây đau mắt đỏ có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây bệnh sau khi đã khỏi bệnh một tuần.

Đau mắt đỏ là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, có một số trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này, do đó mỗi người dân cần có ý thức phòng bệnh tốt và xử trí kịp thời khi mắc bệnh. 

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

  1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng;  không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
  2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
  3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
  4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng./.

Nguồn: TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU