“Người thầy thuốc cần phải yêu nghề, tận tụy và hết lòng phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân từ chính cái tâm của mình, đồng thời không ngừng học tập, trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn…”, đó chính là những lời tâm sự và quy tắc sống, làm việc của bác sĩ Phan Văn Tú, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bác sĩ Tú kiểm tra tình trạng người bệnh sau phẫu thuật
Sinh ra và lớn lên ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An với sự đam mê nghề thầy thuốc, anh Tú quyết định theo đuổi sự nghiệp chữa bệnh cứu người. Sau những năm tháng miệt mài đèn sách tại trường Đại học Y Thái Nguyên, anh tiếp tục theo học chuyên khoa định hướng Chấn thương chỉnh hình tại Bệnh viện Chợ Rẫy (2009 - 2010) để có cơ hội nâng cao trình độ và kinh nghiệm trong nghề.
“Gần 2 năm học tại đây đã mang lại cho tôi nhiều kiến thức, kinh nghiệm hữu ích. Bên cạnh việc học tập, nghiên cứu qua sách, vở, để có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tế từ những giáo sư, chuyên gia đầu ngành, tôi tích cực xin trực tại phòng mổ của bệnh viện” - anh Tú chia sẻ.
Với tinh thần ham học hỏi, nghiên cứu và mục đích chính là để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, từ năm 2012 đến 2014, anh tiếp tục học lên chuyên khoa I Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Tháng 8/2014, sau khi hoàn thành xong khóa học này, anh về công tác tại Bệnh viện Bà Rịa cho đến nay.
Bác sĩ Tú tâm sự, nghề nào cũng vậy, đều đòi hỏi kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Nhưng riêng với nghề y, những phẩm chất ấy càng phải được tôi luyện hằng ngày vì liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người. Mọi sai lầm đều không thể làm lại.
Công việc có nhiều áp lực nhiều áp lực, song với bản lĩnh của người thầy thuốc và kinh nghiệm học hỏi ở những bậc đàn anh đã giúp bác sĩ Tú vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dù là một bác sĩ trẻ có tay nghề mổ chấn thương chỉnh hình của bệnh viện nhưng anh luôn cố gắng hết mình, giúp người dân vượt qua hoạn nạn.
Cũng theo anh Tú, theo quy định, một ca trực kéo dài 24 tiếng, bắt đầu từ 7 giờ sáng, nhưng giờ giao ca của anh luôn kéo dài hơn quy định, bởi bệnh nhân nhập viện nhiều mà nhân lực của khoa còn thiếu.
Cùng với công việc thực tế hàng ngày, bác sĩ Tú tranh thủ mọi thời gian ngoài giờ để sưu tầm, nghiên cứu tài liệu về phẫu thuật chấn thương chỉnh hình các trường hợp bị chấn thương nặng ở phần xương khớp, thần kinh để nâng cao hơn nữa nghiệp vụ chuyên môn. Do đó, khi gặp phải những ca khó, anh luôn xử trí thành công và đem lại kết quả hơn cả mong đợi.
Điển hình như bệnh nhân H.Đ.T, 19 tuổi, quê Hà Tĩnh được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê do vết thương bị đâm từ vùng bẹn chân phải lên bụng gây đứt động mạch bẹn và cơ thành bụng. Khi đó, chân phải nạn nhân đã tím, lạnh, mạch không bắt được. Bên cạnh đó, động mạch bẹn của bệnh nhân bị đứt nham nhở nên không thể nối lại.
Trước tình huống này, bác sĩ Tú đã có quyết định rất sáng suốt: Lấy một đoạn tĩnh mạch dài 5 cm ở chân trái để ghép vào động mạch bẹn bị đứt. Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ và đã thành công. Đến nay, bệnh nhân đã hồi phục sau ca phẫu thuật.
Cũng theo bác sĩ Tú, thời gan gần đây, bệnh viện đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong chấn thương chỉnh hình, do vậy anh cùng đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa đã cứu chữa hiệu quả những ca gãy xương nguy hiểm mà không phải mổ hở gây nhiều biến chứng, tổn thương lớn cho bệnh nhân như trước đây.
Với trách nhiệm, nhiệt huyết và tình yêu nghề, bác sĩ Phan Văn Tú sẽ tiếp tục trau dồi y thuật và y đức, nâng cao trình độ chuyên môn, cống hiến tâm sức và trí tuệ góp phần quan trọng cùng tập thể cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa phát triển sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo tạp chí Thi đua khen thưởng trung ương
http://www.thiduakhenthuongvn.org.vn/dien-hinh-tien-tien/bac-si-tre-tan-tam-yeu-nghe