Lồng ruột là bệnh lý nghiêm trọng thường gặp ở trẻ. Thống kê cho thấy, có đến 90% bệnh nhân lồng ruột thuộc nhóm trẻ dưới 1 tuổi, trong đó nhóm 5-9 tháng tuổi là đối tượng có tỷ lệ mắc cao nhất.
Bác sĩ thăm khám cho trẻ được điều trị lồng ruột tại Bệnh viện Bà Rịa
Đầu tháng 3/2021, khi đang chơi đùa cùng con 12 tháng tuổi, chị D.T.T. (32 tuổi, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) thấy con đột ngột lên cơn đau bụng và gào khóc dữ dội. Chị T. cùng chồng nhanh chóng đưa con đến Bệnh viện Bà Rịa kiểm tra. Sau khi thăm khám, siêu âm, bác sĩ chẩn đoán bé bị lồng ruột và chỉ định điều trị bằng phương pháp tháo khối lồng bằng bơm hơi. Sau 3 ngày điều trị, bé đã được xuất viện. Chị T. cho biết: “Lúc đầu thấy con đau bụng dữ dội và quấy khóc, tôi chỉ nghĩ con đau bụng thông thường. Nhưng sau đó, cơn đau mỗi lúc một nặng thêm, bụng có biểu hiện căng cứng nên vợ chồng tôi đưa con đến bệnh viện. Bác sĩ cho biết, bé được nhập viện kịp thời nên điều trị chỉ vài ba ngày là ổn”.
Theo bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa, hầu như tuần nào bệnh viện cũng tiếp nhận và điều trị cho trẻ bị lồng ruột. Việc chẩn đoán lồng ruột được thực hiện dựa trên thăm khám lâm sàng và siêu âm ổ bụng. Khi kết luận trẻ bị lồng ruột, bác sĩ sẽ tháo lồng bằng phương pháp không phẫu thuật. Đây là biện pháp can thiệp không xâm lấn, an toàn và rất ít tai biến. “Thông thường với trường hợp bệnh nhẹ được gia đình đưa đến điều trị kịp thời, các bác sĩ dùng dụng cụ bơm hơi qua hậu môn một cách nhẹ nhàng để tháo khối lồng. Tuy nhiên, những trẻ được phát hiện muộn dẫn đến tình trạng tắc ruột, sử dụng tháo lồng thất bại thì buộc phải chỉ định phẫu thuật. Song những trường hợp bệnh nặng rất ít gặp”, bác sĩ Thắng cho biết.
Lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ em. Lồng ruột là hiện tượng khúc ruột phía trên di chuyển chui vào lòng khúc ruột phía dưới (hay ngược lại), làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột. Khối lồng thường ngăn cản thức ăn và dịch chuyển xuống phía dưới. Thành ruột ép vào nhau gây phù nề, viêm và giảm nguồn cung cấp máu tới phần ruột bị ảnh hưởng. Kết quả là ruột có thể bị nhiễm trùng, hoại tử và thủng ruột. Bệnh thường xảy ra ở trẻ còn bú mẹ, đặc biệt hay gặp ở những bé trai bụ bẫm, bú nhiều, có nhu động ruột mạnh. Khi bị lồng ruột, các mạch máu nuôi ruột bị tắc nghẹt không nuôi được đoạn ruột lồng, dẫn đến hoại tử nếu không được xử trí sớm.
Kết quả nghiên cứu y khoa cũng cho thấy, hiện nay hơn 95% trường hợp trẻ bị lồng ruột không có nguyên nhân và thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Khoảng 5% trường hợp lồng ruột có nguyên nhân, cụ thể do: Túi thừa Meckel’s, nang ruột đôi, polyp ruột, u ở thành ruột; một số bệnh lý khác như bị mắc dị vật đường tiêu hóa, sau những cuộc phẫu thuật làm nhu động ruột bị rối loạn, thường gặp ở trẻ hơn 2 tuổi và kể cả người lớn.
Bác sĩ Vương Quang Thắng cho biết, trẻ bị lồng ruột thường có biểu hiện đau bụng theo từng cơn, nôn ói, khóc thét, giẫy dụa, chân đạp lung tung. Các cơn đau kéo dài 5 phút làm cho trẻ mệt mỏi. Những cơn đau này thường tái diễn rất điển hình. Sau khi đau bụng, trẻ bị nôn ói do những thức ăn chưa tiêu, sau đó ói dịch xanh, vàng và nếu nặng có thể ói ra phân, đi ngoài ra máu.
“Trẻ đã từng bị lồng ruột, nguy cơ tái diễn bệnh rất cao. Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá lo lắng mà cần theo dõi trẻ nhiều hơn. Quan trọng là khi thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ lồng ruột cần đưa đến bệnh viện để được khám và xử trí kịp thời. Để tránh bệnh lồng ruột, cha mẹ nên giữ vệ sinh ăn uống cho trẻ, tránh để trẻ bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Khi trẻ mới ăn dặm, chỉ nên cho ăn lỏng, ăn theo chế độ tăng dần, không cho trẻ ăn thức ăn khó tiêu như chế độ ăn quá nhiều đạm”, bác sĩ Thắng khuyến cáo.
Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu