Trong khuôn khổ chương trình sinh hoạt định kỳ về bệnh Hen COPD, ngày 07-05-2019, Bệnh viện Bà Rịa tổ chức lớp sinh hoạt chuyên đề Quản lý hen toàn diện hưởng ứng “Ngày hen toàn cầu”. Đến tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề là các bác sỹ đến từ Bệnh viện Đại Học Y Dược TP HCM, VPĐD GlaxoSmithKline Pte Ltd (GSK) và các bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện Bà Rịa.
Hiện tại ước tính có 358 triệu người mắc bệnh Hen trên toàn cầu (Global Burden of Disease 2015), 250 nghìn ca tử vong hằng năm do Hen. Việt Nam với khoảng 3,6 triệu người trên 16 tuổi (4,1% dân số) mắc hen. Nguy cơ cơn hen cấp có thể xuất hiện ở mọi mức độ của bệnh, là nguyên nhân gánh nặng bệnh tật và tử vong.
Một số thông tin về bệnh hen suyễn
Hen là gì (Các triệu chứng của hen)
Theo Global Initiative for Asthma Management and Prevention (GINA 2018), Hen là một bệnh đa dạng (heterogeneous disease), thường đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường thở.
Hen được xác định bằng bệnh sử có các triệu chứng hô hấp như khò khè, khó thở, nặng ngực và ho. Các triệu chứng này thay đổi theo thời gian và mức độ, cùng với sự dao động của giới hạn luồng khí thở ra.
- Thay đổi theo thời gian và thay đổi cường độ/độ nặng
- Thường nặng hơn vào ban đêm hay gần sáng
- Có thể bị khởi phát bởi tình trạng gắng sức, cười, dị nguyên, không khí lạnh hay virus
Nguyên nhân gây bệnh hen
- Hen có thể do di truyền, miễn dịch và môi trường.
- Thường xảy ra trên cơ địa dị ứng.
Các yếu tố nguy cơ
Người bệnh có thể giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của mình bằng cách tránh các yếu tố gây kích phát cơn hen và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ:
Thông thường các yếu tố kích phát cơn hen như:
Yếu tố môi trường
- Khói: khói thuốc lá là một tác nhân kích thích làm kích phát cơn hen nên tránh hút thuốc chủ động cũng như thụ động. Hen có thể bị kích phát bởi mùi, khói nặng (than củi, ô tô)
- Thời tiết thay đổi, ô nhiễm không khí
- Viêm nhiễm đường hô hấp do vi khuẩn hoặc vi-rút: do mắc các bệnh như cảm cúm, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm phế quản…là nguy cơ gây bội nhiễm trong ống phế quản và toàn bộ đường hô hấp gây chít hẹp đường ống dẫn khí trong khí quản.
- Tiếp xúc với dị nguyên như bọ nhà, phấn hoa, lông mao, nấm mốc, phấn côn trùng…(nhiều người hen có thể tạng atopy, khi tiếp xúc với dị nguyên có thể làm kích phát triệu chứng hen)
- Hoạt động mạnh: luyện tập quá mức, tiếp xúc với không khí lạnh và khô; luồng trào ngược dạ dày thực quản (30% bệnh nhân hen có luồng trào ngược dạ dày thực quản làm cho chẩn đoán và kiểm soát hen khó khăn hơn)
- Thuốc: một số thuốc có thể gây ra hoặc làm cho hen xấu đi như aspirin, thuốc kháng viêm non-steroid (ibuprofen), thuốc chẹn beta dùng trong điều trị bệnh tim mạch, cao huyết áp, đau nửa đầu
- Dị ứng thức ăn: thức ăn có thể gây chứng khò khè ở một số người, bất kỳ thức ăn nào nghi ngờ làm khởi phát cơn hen, hãy tránh ăn chúng và thông báo với bác sĩ của bạn để làm test kiểm tra
- Cảm xúc lo âu, bồn chồn có thể làm tăng triệu chứng hen hoặc gây khởi phát hen
Yếu tố cơ địa
- Do di truyền: Có tới 35-70% bệnh nhân hen phế quản là do di truyền. Ngoài ra, yếu tố chủng tộc, giới tính, béo phì cũng là những tác nhân gây bệnh.
- Cơ địa dị ứng (Tạng Atopy): Có khoảng 50% bệnh nhân hen phế quản có cơ địa dị ứng. Đây là yếu tố nguy cơ quan trọng phát triển hen phế quản.
Bác sĩ sẽ đánh giá và lập kế hoạch điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân. Điều trị bao gồm sử dụng thuốc cắt cơn hen và thuốc dự phòng hen, một cách hợp lý để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh hen.
Những kế hoạch điều trị cho từng bệnh nhân bao gồm:
- Kế hoạch kiểm soát môi trường tránh tiếp xúc với yếu tố gây nên cơn hen;
- Kế hoạch dùng thuốc dự phòng và thuốc cắt cơn; kế hoạch xử lý cơn hen cấp.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân, gia đình, nhà trường và nhân viên y tế là yếu tố quan trọng trong quản lý hen.
Các dụng cụ hít là nền tảng trong điều trị Hen và COPD. Tuy nhiên, việc sử dụng dụng cụ hít có thể là một thách thức đối với bệnh nhân và nếu người bệnh không sử dụng đúng có thể dẫn đến giảm đáng kể lượng thuốc đến phổi cũng như giảm hiệu quả điều trị. Vì vậy, việc chọn lựa và cách dùng dụng cụ hít phù hợp cho từng người bệnh đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý tốt Hen và COPD.
Bác sỹ đang hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc điều trị hen trong một tình huống lâm sàng giả định
Chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả giai đoạn ổn định cho bệnh nhân hen ngoại trú là cần thiết vì sẽ giúp bệnh nhân giảm được nguy cơ vào đợt cấp hay phải dung thuốc cắt cơn cho bệnh nhân, giảm tải được lượng bệnh nhân nội trú cần nhập bệnh viện, giảm được cả chi phí điều trị trực tiếp và gián tiếp (chi phí chăm sóc) cho người bệnh nhân và hệ thống y tế.
Bệnh hen tuy không thể chữa khỏi hẳn, nhưng hoàn toàn có thể phòng và kiểm soát được. Đa số người mắc bệnh hen có thể sinh hoạt bình thường hoặc tương đối bình thường nếu được điều trị đúng cách như:
- Tránh các yếu tố khởi phát
- Dùng thuốc đúng:
- Đúng loại (cắt cơn & ngừa cơn),
- Đúng cách (kỹ thuật dùng dụng cụ hít)
- Đúng liều
- Đủ thời gian (điều trị bậc thang)
- Tái khám định kỳ
Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn số bệnh nhân hen lại nản lòng và bỏ dở điều trị. Vì thế, ngoài việc phát triển các phương pháp chẩn đoán và điều trị hen ngay tại tuyến cơ sở, cần phải đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, nhận thức người dân về bệnh hen, tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết về việc kiểm soát bệnh hen, đồng thời thành lập các đơn vị quản lý hen trong cộng đồng, mỗi tỉnh ít nhất một đơn vị quản lý để không còn tử vong do hen. Cụ thể, các bác sĩ tại đơn vị sẽ kiểm soát được bệnh hen trên cả hai phương diện là kiểm soát được triệu chứng hiện tại, ngăn ngừa các nguy cơ trong tương lai.
Hen là một bệnh nguy hiểm nếu không được kiểm soát và điều trị đúng cách. Chính vì vậy, mỗi người bệnh cần nắm được các yếu tố nguy cơ gây bệnh để từ đó có biện pháp phòng tránh thích hợp. Ngoài ra, sử dụng biện pháp dự phòng nhằm kiểm soát và kéo dài tối đa thời gian tái phát bệnh cũng là việc làm hết sức cần thiết với bệnh nhân mắc hen phế quản. Hen ở mỗi người đều do nguyên nhân khác nhau do đó cách tiếp cận kế hoạch điều trị cho từng cá thể là phương pháp tối ưu để kiểm soát hen.