Tháng 7 chưa phải là cao điểm của bệnh sốt xuất huyết nhưng đến nay số ca mắc ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tăng đột biến. Chỉ trong tháng 7, bệnh viện Bà Rịa tiếp nhận hơn 1000 ca sốt xuất huyết.
Theo ngành y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay đã có hơn 3.400 ca, trong đó 3 người tử vong. Huyện Châu Đức tăng mạnh, với hơn 1.162 ca, tăng 25 lần so với cùng kỳ năm ngoái... Đáng lưu ý, tại BR-VT có hơn 90% số ca sốt xuất huyết là người lớn (3 ca tử vong đều là người lớn).
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng tên là Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Muỗi vằn có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, giường, hốc tủ... Muỗi chích hút máu người cả ngày lẫn đêm.
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bà Rịa
Sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát vào mùa mưa do nhiệt độ, độ ẩm trung bình cao, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn phát triển. Bệnh hiện chưa có thuốc đặc trị hay vắcxin phòng. Dấu hiệu thường gặp của bệnh như sốt cao đột ngột, liên tục 2 ngày trở lên và không giảm khi uống thuốc hạ sốt. Người mệt mỏi, đau phần đầu, bụng, cơ, khớp và sau hốc mắt. Xuất huyết từ ngày thứ 2,3 trở đi sẽ có biểu hiện dạng chấm, mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, mũi, nôn hoặc tiểu ra máu...
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết, gia đình cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để theo dõi, điều trị kịp thời, tránh những biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng. Tuyệt đối không cho người bệnh sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ, không kiêng ăn, nhịn uống.
Người dân nên dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, thông thoáng, đậy kín dụng cụ chứa nước, tiêu hủy các vật phế thải đọng nước, thay ly nước cắm hoa. Để tránh muỗi chích nên ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, thoa kem chống muỗi. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt côn trùng vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự điều trị tại nhà.
https://video.thanhnien.vn/…/sot-xuat-huyet-tang-dot-bien-b…