7 January 2017
Theo lộ trình của Bộ Y tế (tại Thông tư Liên tịch số 26/2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ), từ nay đến năm 2025, các địa phương phải hoàn tất việc nâng chuẩn viên chức ngành y tế trình độ trung cấp lên cao đẳng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khó có thể theo kịp yêu cầu này với số lượng nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập có trình độ trung cấp đang chiếm phần đông.

Theo Bộ Y tế, việc nâng chuẩn trình độ nhân viên y tế lên trình độ cao đẳng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập ASEAN là bắt buộc Việt Nam phải tương đồng với ASEAN về nguồn nhân lực (trình độ bác sĩ, nha sĩ và điều dưỡng phải đồng nhất đào tạo từ 3 năm trở lên). Hơn nữa, đứng trước nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân đòi hỏi ngày càng cao, trình độ đào tạo cũng phải liên tục nâng cao. Trình độ thấp nhất phải từ cao đẳng trở lên mới đáp ứng được nhu cầu phát triển của y tế.

Theo lộ trình của Bộ Y tế, trong 10 năm, toàn ngành y tế BR-VT phải nâng chuẩn hơn 1.000 nhân viên trình độ trung cấp (điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật y) đang làm việc trong các cơ sở y tế công lập lên trình độ cao đẳng. Đây là con số đáng kể đòi hỏi ngành y tế phải có phương án giải quyết phù hợp cho đội ngũ này vừa học vừa làm.

Theo bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế, việc bố trí đội ngũ nhân viên y tế đi học nâng chuẩn phải có bước chuẩn bị chu đáo, theo hình thức "cuốn chiếu" chứ không thể bố trí học một cách ồ ạt. Ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị thống kê rà soát lại những trường hợp cần bố trí học nâng chuẩn và những trường hợp không bố trí học nâng chuẩn (trong độ tuổi chuẩn bị nghỉ hưu). Sau đó, các đơn vị bố trí nhân viên đi học luân phiên theo đợt. Các chế độ của nhân viên đi học vẫn được bảo đảm, đồng thời, Sở Y tế sẽ đề xuất UBND tỉnh có chế độ hỗ trợ cho nhân viên đi học về học phí và các khoản hỗ trợ khác.

Cũng theo bác sĩ An, để bảo đảm chất lượng, nhân viên y tế trong toàn ngành nâng chuẩn lên cao đẳng đều theo học hình thức chính quy. Nhân viên có thể học ngay tại Trường Trung cấp Y tế BR-VT (chuẩn bị nâng cấp thành trường cao đẳng) hoặc học tại các trường cao đẳng, đại học ở tỉnh khác theo nhu cầu và nguyện vọng của người đi học. Các cơ sở y tế phải tạo điều kiện tốt nhất cho nhân viên đi học.

Dù vậy, các cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở điều trị sẽ gặp khó khăn khi một lúc phải cử nhiều nhân viên đi học. Điều dưỡng trưởng Đỗ Ngọc Anh, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, bệnh viện hiện có 497 nhân viên (điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên), trong đó có 427 người có trình độ trung cấp, trong số này có khoảng 10 - 20% sẽ nghỉ hưu trong vòng 5 đến 10 năm tới. Như vậy, vẫn còn khoảng 400 người cần bố trí đi học nâng chuẩn. Giả sử một đợt cử 20 người đi học thì cũng phải mất khoảng 25 năm mới hoàn tất việc nâng chuẩn cho 400 người. Chưa kể mỗi đợt đi học như vậy nhân lực làm công tác chuyên môn của bệnh viện sẽ bị thiếu hụt.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng để đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế, rất có thể các địa phương buộc phải đào tạo ồ ạt "chạy nước rút" để hợp thức hóa bằng cấp. Việc đào tạo nâng chuẩn vì thế sẽ trở nên hình thức, không có chất lượng. Thiết nghĩ, ngành y tế cần có những giải pháp, lộ trình lâu dài và phù hợp hơn để việc nâng chuẩn đạt chất lượng và hiệu quả.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

Tags: