28 February 2020

Bệnh đau cổ vai gáy là một bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, song gặp nhiều ở những người lớn tuổi và do nhiều nguyên nhân từ bệnh lý vùng cổ gây ra. Tuy nhiên, nếu chủ quan không đi khám và chữa trị kịp thời sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh.

CƠN ĐAU KHÓ LƯỜNG

Chị Nguyễn Thị Hiền, ở phường 10, TP.Vũng Tàu đang là nhân viên văn phòng, thường xuyên bị đau mỏi vai gáy. Cách đây hơn 1 tháng, cơn đau mỏi vùng vai gáy của chị tăng dần lan xuống tay, kèm theo triệu chứng đau đầu, chóng mặt nên chị lầm tưởng mình bị rối loạn tiền đình tái phát, vì trước đây chị từng bị chứng bệnh này. Chị đến khám tại Bệnh viện Bà Rịa thì được các bác sĩ chẩn đoán bị thoái hóa đốt sống cổ. Hiện chị đang điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu tại Khoa Y học Cổ truyền Bệnh viện Bà Rịa.

Theo các bác sĩ, hiện tượng đau mỏi vai gáy là tình trạng cơ ở vùng vai gáy bị co cứng gây đau, kèm theo đó là hạn chế vận động của cổ, dẫn tới cổ cứng đờ. Dấu hiệu đau mỏi vai gáy có thể xuất hiện vào buổi sáng khi thức dậy, có thể xuất hiện sau một cử động đầu cổ đột ngột sai lệch hoặc sau một hoạt động mạnh quá sức vùng cổ cánh tay, có thể xuất hiện sau một chấn thương, tai nạn lao động, giao thông hoặc ngã do tai nạn sinh hoạt.

Cơn đau có thể dữ dội đột ngột ngay từ đầu hoặc đau nhẹ âm ỉ tăng dần. Đôi khi đau cổ vai gáy có thể lan xuống cột sống lưng, lan lên đầu hoặc lan xuống cánh tay, cẳng tay và bàn tay (gọi là hội chứng cổ vai tay) do có sự chèn ép rễ thần kinh vùng vai, tay. Lúc đầu, bạn chỉ cảm thấy đau mỏi nhẹ, hạn chế vận động vùng cổ và vùng đầu, khi quay đầu không cảm thấy thoải mái hoặc chỉ nghiêng sang phải hoặc sang trái mà không quay lại được phía sau. Cơn đau có thể tăng nhiều ban ngày khi hoạt động và giảm đau khi nghỉ ngơi, ngược lại, bạn có thể thấy đau tăng lên về đêm làm bạn tỉnh giấc, khó ngủ. Lâu ngày nếu không được điều trị sẽ dẫn tới cổ bị cứng đờ, ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động của cơ thể.

NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG BỆNH

Đau mỏi vai gáy là căn bệnh liên quan đến cột sống cổ thường gặp nhất. Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Thọ, Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, đau vai gáy thường gặp ở nhân viên văn phòng, những người phải làm việc lâu ở một tư thế. Đau vai gáy còn do quá trình lão hóa của cơ thể ở những người đã lớn tuổi, khiến cột sống cổ suy yếu, mất độ vững chắc dẫn tới những bó cơ giữ cột sống phải căng ra để giữ cột sống nên gây ra triệu chứng đau.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Uyên Chi, Trưởng Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Bà Rịa, khoảng 30% bệnh nhân mắc hội chứng đau vai gáy có nguyên nhân từ bệnh thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, nhiều người còn chủ quan, không đi khám và điều trị sớm, khiến cho bệnh trở nặng.

Do đó, khi bị đau cổ vai gáy nên đi khám để các bác sĩ chuyên khoa tìm ra nguyên nhân, xác định xem có hiện tượng chèn ép gây tổn thương dây thần kinh hay không. Cùng với đó, các bác sĩ sẽ đánh giá mức độ bệnh nặng hay nhẹ, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

“Y học cổ truyền có các phương pháp điều trị hiệu quả với triệu chứng đau vai gáy với các bài thuốc, châm cứu làm thư giãn cơ, thu phong tán hàn, hay sử dụng dòng xung điện, kéo giãn cột sống cổ trong trường hợp đau vai gáy có nguyên nhân do thoái hóa cột sống cổ, chèn ép thần kinh cột sống”, bác sĩ Chi chia sẻ.

Để phòng tránh bệnh đau vai gáy, mọi người nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp với mình và cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Người làm việc văn phòng nên vận động, nghỉ giải lao khi phải ngồi lâu. Khi ngồi đọc sách, học bài hay đánh máy cần giữ cho cổ luôn thẳng, không cúi gập cổ quá lâu, cần tránh tình trạng ngồi sai tư thế. Trong chế độ ăn uống hàng ngày cần ăn đủ chất và bổ sung một số khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như canxi, kali, các vitamin nhóm B, C, E,... Mỗi người cũng cần khám sức khỏe định kỳ, nhất là với người lớn tuổi để phát hiện sớm những nguyên nhân gây ra bệnh.
Theo báo Bà Rịa - Vũng Tàu
http://www.baobariavungtau.com.vn/…/ung-pho-voi-benh-dau-v…/